19 đường 24, Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định

GDVN- Học sinh Trường THCS Trương Công Định được trực tiếp trải nghiệm, tiếp cận với các mô hình, không gian trải nghiệm về các công nghệ mới nhất hiện nay.

Ngày 18/9, Trường Trung học cơ sở Trương Công Định (quận Lê Chân, Hải Phòng) phối hợp với Maker Việt và Thai Phien STEAM Challenge tổ chức chuyên đề chuyên môn cấp quận, chuyên đề Đội cấp thành phố “Open STEAM Day”.

Tới dự chuyên đề có ông Phạm Việt Anh – Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận Lê Chân; bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận; cùng cán bộ, giáo viên và gần 300 học sinh nhà trường.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 1

9Thầy giáo Hà Huy Hiệp – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trương Công Định phát biểu tại chuyên đề (Ảnh: HH)

Phát biểu tại chuyên đề, thầy giáo Hà Huy Hiệp – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trương Công Định cho biết, cùng với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục khoa học tự nhiên có sứ mệnh hình thành và phát triển thế giới quan khoa học, hình thành và phát triển năng lực khoa học tự nhiên qua quan sát và thực nghiệm, vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Giáo dục STEAM là một phương pháp giáo dục mang đến cho người học kỹ năng cộng tác, kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, khả năng tư duy phản biện,… cùng nhiều mảng kiến thức khác để phát triển toàn diện trong tương lai.

Trong bối cảnh hiện đại hóa toàn cầu như ngày nay, chúng ta cần có những con người mới, ý tưởng mới, giải pháp mới cho mọi vấn đề, cần đánh thức tiềm năng bên trong thế hệ trẻ để các em sớm trở thành công dân toàn cầu thực thụ.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 2

Các đại biểu tham dự chuyên đề (Ảnh: HH)

“Open STEAM Day” mang ý nghĩa là một ngày trải nghiệm về STEAM mang tính “mở” (Open), nơi toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh có dịp tiếp cận, trải nghiệm với các công nghệ mới nhất hiện nay như AI, IoT, robotics, smarthome…, đồng thời hiểu rõ hơn về những khái niệm rất mới như Metaverse.

Chính vì vậy, nhà trường tổ chức chuyên đề “Open STEAM Day” nhằm mục tiêu giúp cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh có cái nhìn tổng thể về xu hướng phát triển của các công nghệ mới như robotics, IoT, AI và cơ hội nghề nghiệp trong thời đại 4.0.

Qua đó, tạo đà thúc đẩy giúp các cấp cán bộ quản lý và giáo viên tiếp cận chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được thuận lợi hơn.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 3

Học sinh được trải nghiệm giờ học lập trình (Ảnh: HH)

Chuyên đề này cũng giúp các em học sinh được trực tiếp trải nghiệm, tiếp cận với các mô hình, không gian trải nghiệm, từ đó hình dung một cách trực quan và dễ hiểu về các công nghệ mới nhất hiện tại và xu hướng phát triển của tương lai; góp phần định hướng nghề nghiệp từ sớm cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhà trường mong muốn giới thiệu và hướng tới nhân rộng mô hình câu lạc bộ, không gian khoa học dành cho học sinh; các mô hình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động của trường học, công tác Đoàn, Đội chuyển mình số hóa theo nghị quyết đại hội Đoàn các cấp đã đề ra”, thầy Hiệp nhấn mạnh.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 4

Học sinh được trải nghiệm làm đàn hoa quả (Ảnh: HH)

Chuyên đề “Open STEAM Day” được chia thành 3 phần:

Thứ nhất là phần hội thảo dành cho cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh: nhằm tạo môi trường giao lưu, chia sẻ giữa khách mời chương trình và toàn thể cán bộ giáo viên, phụ huynh học sinh về các nội dung:

- Xu hướng phát triển của công nghệ trong hiện tại và tương lai; cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ.

- Tầm quan trọng và cách thức triển khai STEAM/STEM trong giáo dục thời đại mới, đặc biệt là trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

- Mô hình xây dựng câu lạc bộ, không gian sáng tạo khoa học công nghệ; xây dựng trải nghiệm công nghệ cho học sinh tại các trường học; đổi mới sáng tạo và số hóa trong các hoạt động tại trường học và công tác Đoàn Đội.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 5

Học sinh được trải nghiệm xe cân bằng (Ảnh: HH)

Phần thứ 2 là trải nghiệm công nghệ dành cho học sinh: Phần này được tổ chức thành các gian trải nghiệm bố trí các mô hình, thiết bị công nghệ phục vụ các bạn học sinh tới trải nghiệm.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 6

Học sinh trải nghiệm phần thi lắp ghép và lập trình xe đua (Ảnh: HH)

Phần thứ 3: Mini Racing Challenge – đây là phần thi lắp ghép và lập trình xe đua (mini contest): được tổ chức song song thời gian và ngay tại khu vực trải nghiệm công nghệ.

Các em học sinh đăng ký sẽ được chia đội, cùng nhau lắp ghép và lập trình một chiếc xe đua điều khiển từ bộ kit được cung cấp trong thời gian quy định.

Sau khi hoàn thiện chiếc xe, các đội sẽ thi đấu trên sân đấu với luật chơi được phổ biến từ đầu. Phần thi này có phần thưởng cho các đội chiến thắng.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 7

Trao giải cuộc thi lắp ghép lập trình và đua xe (Ảnh: HH)

Chuyên đề “Open STEAM Day”đã nhận được sự quan tâm, tán thưởng của các đại biểu, các bậc phụ huynh tham dự.

Đặc biệt, chuyên đề đã tạo sự thích thú cho học sinh khi được trực tiếp thực hành, trải nghiệm để tự rút ra kết luận cuối cùng và bài học kinh nghiệm, giúp các em ghi nhớ các kiến thức trong chương trình giáo dục phổ thông dễ dàng, chủ động và tích cực hơn.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trương Công Định mong muốn, chuyên đề sẽ giúp các em học sinh trải nghiệm những vấn đề sẽ xảy ra trong thực tế cuộc sống, thay vì chỉ đơn thuần tiếp thu kiến thức thụ động thông qua những bài giảng thuần lý thuyết và những cuốn sách khô khan.

Một ngày trải nghiệm STEAM ở Trường THCS Trương Công Định ảnh 8

Ban giám hiệu nhà trường chụp ảnh cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chuyên đề (Ảnh: HH)

“Theo thời gian, kiến thức thực tế sẽ được tích lũy dần qua mỗi lần giải quyết vấn đề. Đó là những kiến thức mà các em có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của mình chứ không phải những kiến thức mang tính thuộc lòng.

Trong kỷ nguyên mới này, cùng với sự thay đổi và phát triển không ngừng của xã hội, có lẽ sẽ không còn những công việc chỉ yêu cầu duy nhất sự hiểu biết về một lĩnh vực, phần lớn, các công việc đều cần sự kết hợp kiến thức, kỹ năng từ nhiều bộ môn khác nhau.

Việc học sinh được học theo phương pháp giáo dục STEAM sẽ giúp các em được tiếp thu kiến thức liên kết một cách liền mạch. Đó cũng là bệ phóng vững chắc nhất cho sự nghiệp của các em học sinh trong tương lai”, thầy Hà Huy Hiệp nói.

 

LÃ TIẾN
nguồn: https://giaoduc.net.vn/
0961616130