19 đường 24, Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Kiêm nhiệm nhiều nhưng chỉ trả dư giờ 1 nhiệm vụ khiến giáo viên thiệt thòi

Kiêm nhiệm nhiều nhưng chỉ trả dư giờ 1 nhiệm vụ khiến giáo viên thiệt thòi

GDVN- Việc quy định giáo viên kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ nhưng chỉ cho hưởng định mức nhiệm vụ có tiết dạy cao nhất vô tình đẩy giáo viên và nhà trường vào thế khó.

Thực trạng hiện nay giáo viên tại nhiều địa phương đang thiếu. Theo thống kê cả nước thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên, cùng với giáo viên bỏ việc tại nhiều địa phương bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết của ngành giáo dục về nhân sự.

Ngoài nguyên nhân lương chưa tương xứng vị thế nghề thì nguyên nhân giáo viên phải vô cùng áp lực, vất vả khi phải thực hiện, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng lại không được chi trả chế độ tăng giờ, tăng buổi khiến giáo viên bức xúc, dễ bỏ việc.

Kiêm nhiệm nhiều nhưng chỉ trả dư giờ 1 nhiệm vụ khiến giáo viên thiệt thòi ảnh 1

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về định mức tiết dạy, các quy định giảm định mức tiết dạy và phân tích nguyên nhân giáo viên khó được tính dư giờ khi dạy vượt tiết tiêu chuẩn do kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Quy định về định mức tiết dạy của giáo viên phổ thông

Thông tư 03/VBHN-BGDĐT ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông. Điều 6 Thông tư 03 quy định về định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:

“1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết.


Quy định về định mức, giảm định mức tiết dạy của giáo viên

2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở.

Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.

3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành.”

Tại Điều 7 Thông tư 03 quy định, đối với hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng 4 tiết/tuần và không được quy đổi chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các chức vụ kiêm nhiệm thay thế cho định mức tiết dạy được quy định tại Thông tư này.

Quy định về giảm định mức tiết dạy hiện hành

Điều 8, 9, 10 của Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy định về các chế độ giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm như sau:

Tại Điều 8 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn như sau:

“1. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.


Giải đáp thêm về chế độ định mức, giảm định mức tiết dạy của giáo viên

2. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường chuyên, trường bán trú được giảm 4 tiết/tuần. Giáo viên chủ nhiệm lớp ở trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật được giảm 3 tiết/tuần.

3. Giáo viên kiêm phụ trách phòng học bộ môn được giảm 3 tiết/môn/tuần.

4. Giáo viên kiêm nhiệm phụ trách công tác văn nghệ, thể dục toàn trường, phụ trách vườn trường, xưởng trường, phòng thiết bị, thư viện (nếu các công tác này chưa có cán bộ chuyên trách) được tính giảm từ 2 - 3 tiết/tuần tùy khối lượng công việc và do hiệu trưởng quyết định.

5. Tổ trưởng bộ môn được giảm 3 tiết/tuần.

5a. Tổ phó chuyên môn được giảm 1 tiết/tuần…”

Tại Điều 9 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường:

“1. Giáo viên kiêm bí thư đảng bộ, bí thư chi bộ (nơi không thành lập đảng bộ) trường hạng I được giảm 4 tiết/tuần, các trường hạng khác được giảm 3 tiết/tuần.

Giáo viên kiêm nhiệm công tác công đoàn thực hiện giảm định mức tiết dạy theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Giáo viên kiêm công tác bí thư đoàn, phó bí thư đoàn cấp trường được hưởng chế độ, chính sách theo Quyết định số 13/2013/QĐ-TTg ngày 06 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội sinh viên Việt Nam trong các cơ sở giáo dục và cơ sở dạy nghề.

3. Giáo viên kiêm chủ tịch hội đồng trường, thư ký hội đồng trường được giảm 2 tiết/tuần.

4. Giáo viên kiêm trưởng ban thanh tra nhân dân trường học được giảm 2 tiết/tuần.

5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.”

Tại Điều 10 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các đối tượng khác gồm:

“1. Giáo viên được tuyển dụng bằng hợp đồng làm việc lần đầu được giảm 2 tiết/tuần.

2. Giáo viên nữ có con nhỏ từ 12 tháng trở xuống, mỗi tuần lễ được giảm 3 tiết (đối với giáo viên trung học phổ thông, trung học cơ sở) và 4 tiết (đối với giáo viên tiểu học).”

Khi nào giáo viên được tính tiền tăng giờ, tăng buổi?

Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC (Thông tư 07) của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.


Giáo viên dạy tăng giờ vượt quy định 200 tiết/năm có được trả công?

Tại khoản 2, 6, 8 Điều 3 Thông tư 07 có nêu nguyên tính trả tiền lương dạy thêm giờ là thực hiện vượt định mức giờ dạy theo định mức giờ dạy/năm đối với giáo viên mầm non; định mức tiết dạy/năm học đối với giáo viên phổ thông, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt và số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.

Như vậy, quy định hiện hành định mức tiết dạy và quy đổi các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết mỗi tuần.

Để được tính dư giờ, không tính theo tuần mà tính theo định mức tiết dạy/năm học, cụ thể năm học 2022-2023 từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện 35 tuần thực dạy thì số tiết tiêu chuẩn/năm học của tiểu học là 805 tiết, trung học cơ sở 665 tiết, cấp trung học phổ thông 595 tiết.

Vướng quy định, nhiều giáo viên dạy vượt định mức/năm học nhưng không được thanh toán tiền thừa giờ

Theo Thông tư 07, nếu giáo viên dạy và thực hiện công việc quy đổi vượt số tiết định mức/năm học sẽ được thanh toán tiền thừa giờ theo quy định.

Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 9 Thông tư Số: 03/VBHN-BGDĐT quy định: “5. Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất.”

Quy định giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ để giáo viên tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng nhưng chỉ được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy có số tiết cao nhất khiến nhiều giáo viên thực hiện từ 2 nhiệm vụ kiêm nhiệm theo phân công, vượt định mức tiết dạy/năm lại không được thanh toán tiền thừa giờ theo Luật Lao động vì tại Điều 98 Luật Lao động 2019 quy định “người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) vào ngày thường, ít nhất bằng 150%,…

Việc quy định giáo viên kiêm nhiệm 2 nhiệm vụ nhưng chỉ cho hưởng định mức nhiệm vụ có tiết dạy cao nhất vô tình đẩy giáo viên và nhà trường vào thế khó, giáo viên làm thêm giờ nhưng lại không được thanh toán tiền thừa giờ oan uổng.

Thực tế, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục đang thiếu giáo viên nên hiệu trưởng phân công giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, làm vô cùng vất vả nhưng lại không được thanh toán dư giờ.


Giáo viên dạy tăng tiết quần quật cả năm không được tính thừa giờ, sao vô lý thế

Giả sử một giáo viên công tác tại trường trung học cơ sở năm học 2021-2022 được phân công dạy 15 tiết/tuần, kiêm nhiệm tổ trưởng (giảm 3 tiết/tuần), giáo viên chủ nhiệm (giảm 4 tiết/tuần), phó chủ tịch công đoàn (giảm 3 tiết/tuần), tổng cộng thực hiện tiết dạy sau quy đổi là 25 tiết/tuần.

Giáo viên trên với số tiết thực hiện/năm học là 25 tiết nhân với 35 tuần tổng cộng 875 tiết (thừa 210 tiết so với quy định) nhưng lại không được thanh toán tiền tăng giờ với lý do kiêm nhiệm 3 nhiệm vụ nhưng khi tính dư giờ chỉ được tính nhiệm vụ có số tiết giảm cao nhất là kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm 4 tiết/tuần.

Giáo viên là viên chức phải chấp hành sự phân công của thủ trưởng đơn vị, tuy nhiên vướng quy định kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nhưng chỉ được tính dư giờ của nhiệm vụ có số tiết giảm cao nhất. Việc này gây thiệt thòi cho giáo viên, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Van-ban-hop-nhat-03-VBHN-BGDDT-2017-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-355032.aspx

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-07-2013-TTLT-BGDDT-BNV-BTC-huong-dan-che-do-tra-luong-176067.aspx

http://boluatlaodong2019.molisa.gov.vn/

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

 

Bùi Nam
nguồn: https://giaoduc.net.vn/
0961616130