19 đường 24, Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Học 4 năm vất vả, ra trường lương 2-3 triệu đồng/tháng thì làm sao GV sống nổi

 

Học 4 năm vất vả, ra trường lương 2-3 triệu đồng/tháng thì làm sao GV sống nổi

GDVN- Tại quận Gò Vấp trong thời gian qua nhiều giáo viên nghỉ việc trong khi đó việc tuyển mới cũng khó khăn bởi thu nhập quá thấp.

Chiều ngày 14/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại Uỷ ban nhân dân quận Gò Vấp về tình hình thực hiện nghị quyết số 88/2014/QH13 và nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022.

Sĩ số học sinh/lớp không đạt chuẩn

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trịnh Vĩnh Thanh- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp cho biết toàn quận có tổng số 24 trường tiểu học; 15 trường trung học cơ sở; 9 trường tư thục nhiều cấp học; 1 trường giáo dục chuyên biệt Hy Vọng; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên. Trong đó có 41.167 học sinh tiểu học, 27.715 học sinh trung học cơ sở và 4.220 học sinh nhiều cấp.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày năm nay tăng hơn năm trước nhưng các trường vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu học 2 buổi/ngày của học sinh. Trong đó, bậc trung học cơ sở đạt tỷ lệ 96,93% còn bậc tiểu học chỉ đạt 73,30%.

Đặc biệt, bình quân học sinh/lớp ở cả cấp tiểu học và trung học cơ sở công lập còn khá cao (vượt) so với quy định của Điều lệ trường tiểu học, trung học cơ sở. Trong đó, tiểu học có 43.531 học sinh/1033 lớp, tỷ lệ là 42,14 học sinh/lớp vượt 7,14 em so với điều lệ trường tiểu học. Bậc trung học cơ sở cũng có tỷ lệ 43,49 học sinh/lớp.

Học 4 năm vất vả, ra trường lương 2-3 triệu đồng/tháng thì làm sao GV sống nổi ảnh 1

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi giám sát tại Uỷ ban nhân dân quận Gò Vấp về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2022 (ảnh: L.P)

Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục của quận cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế như dân số tăng cơ học cao số trường và phòng học chưa đủ để đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày. Đồng thời sĩ số học sinh/lớp cao dẫn đến khó khăn trong việc giáo viên áp dụng, triển khai các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Số lượng giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học còn thiếu trong khi việc tuyển dụng gặp khó khăn do có ít ứng viên tham gia tuyển dụng.

Ngoài ra, phòng máy vi tính xuống cấp, một số máy tính cần thay thế. Dù các trường đã có kinh phí tuy nhiên việc mua sắm phải thực hiện theo mua sắm tập trung nên tiến độ mua sắm còn chậm trễ gây ảnh hưởng đến việc đưa vào sử dụng.


Khó khăn, thách thức lớn nhất khi thực hiện GDPT mới tại TP.HCM là gì?

Bà Lê Thị Hồng Hà- Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm cho biết toàn trường có 38 lớp với tổng số 1717 học sinh. Tuy nhiên do phòng học xây dựng không đồng nhất về diện tích, sĩ số học sinh đông nên có 21 lớp có sĩ số trên 40 học sinh/lớp, đặc biệt tới 17 lớp có sĩ số trên 45 học sinh/lớp. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc tổ chức hoạt động dạy-học của thầy trò.

Bên cạnh đó, trường cũng chưa đủ phòng học để tổ chức cho học sinh được học 2 buổi/ngày; phòng chức năng, sân tập cũng còn hạn chế. Nhà trường chưa đủ bảng tương tác, LCD tại các phòng học. Đáng chú ý, trang thiết bị dạy học tối thiểu của lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa được cung cấp kịp thời để phục vụ cho việc dạy và học.

Bài toán khó giải trước tình trạng khó tuyển giáo viên

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đào Thị My Thư – Phó chủ tịch Ủỷ ban nhân dân quận Gò Vấp chia sẻ về số lượng giáo viên nghỉ việc trong 2 năm qua và thực trạng việc khó tuyển giáo viên. “Năm 2020, quận Gò Vấp có 86 viên chức ngành giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở nghỉ việc. Còn năm 2022, đến thời điểm này có 59 viên chức ngành giáo dục nghỉ việc”, bà My Thư cho biết.

Trong khi đó hiện quận thiếu 24 giáo viên tiểu học, trong đó có 20 giáo viên tiếng Anh, 4 giáo viên Tin học. Còn ở bậc trung học cơ sở thiếu cục bộ, chủ yếu ở các môn năng khiếu.

Theo bà Thư, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là quận đang thiếu giáo viên các môn năng khiếu Âm nhạc, Tin học. Vì sao không thu hút được giáo viên các môn này bởi những người được đào tạo về âm nhạc, công nghệ thông tin thì thường chọn những “mảnh đất” khác để thực hiện năng khiếu và đam mê của mình hơn là tham gia vào môi trường giáo dục.

“Chẳng hạn như những người tốt nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin có thể đi làm ở doanh nghiệp thu nhập hấp dẫn hơn là đi giảng dạy. Chính vì vậy, việc tuyển dụng đội ngũ này là bài toán khó giải của ngành giáo dục quận trong nhiều năm qua”, bà Thư chia sẻ.

Còn bà Hoàng Thị Thu- Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Gò Vấp thì cho hay, hiện trường còn thiếu 6 giáo viên ở môn Văn, Lịch sử, Toán, Sinh, Tin, Nhạc và Thể dục. Đồng thời, đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Các giáo viên được phân công giảng dạy các môn tổ hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý).

Học 4 năm vất vả, ra trường lương 2-3 triệu đồng/tháng thì làm sao GV sống nổi ảnh 3

Bà Hoàng Thị Thu- Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Gò Vấp phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: L.P)

Các môn/hoạt động giáo dục mới và được thù như Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, Giáo dục địa phương gặp rất nhiều khó khăn do giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm những môn mới chưa được đào tạo chính quy.

Nói thêm về việc thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng được, bà Thu cho rằng nguyên nhân chính vì chế độ chính sách dành cho giáo viên không thật sự hấp dẫn. Dẫn chứng thêm, bà Thu bộc bạch: “Giáo viên mới ra trường học 4 năm vất vả mà ra trường chỉ hưởng mức lương 2,34 tương đương mức 2-3 triệu đồng thì làm sao sống nổi. Mức này quá thấp để đảm bảo cuộc sống ở thành phố này vì nhiều giáo viên trẻ vẫn còn phải thuê nhà. Mặc dù những năm qua Thành phố Hồ Chí Minh còn có những khoản hỗ trợ từ chính sách của thành phố nên cũng đỡ nhưng vẫn còn rất vất vả nên việc thu hút giáo viên rất khó”.

Được biết, sau khi ghi nhận thực tế và những kiến nghị của quận và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị lên các cấp cao hơn như để tìm ra hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn.

 

Lê Phương
nguồn: https://giaoduc.net.vn/
0961616130