19 đường 24, Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Dạy, học trực tuyến - “cứu cánh” của giáo dục trong đại dịch COVID-19

Dạy, học trực tuyến - “cứu Cánh” của giáo dục trong đại dịch COVID-19

Nếu như cách đây hơn một năm, việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ thì giờ đây, sau nhiều lần phải tạm dừng đến trường để phòng dịch COVID-19, cả học sinh, sinh viên lẫn giáo viên cũng như phụ huynh trên khắp thế giới đã dần thích nghi với mô hình giáo dục thời dịch bệnh này.

* Bảo đảm quyền được giáo dục
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO),  đại dịch COVID-19 bùng phát gần 2 năm qua đã làm gián đoạn việc học của trên 1,7 tỷ học sinh, sinh viên tại ít nhất 192 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một năm sau đại dịch, gần 50% học sinh toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng vì trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần. Hiện vẫn có gần 30 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học, ảnh hưởng tới hơn 100 triệu giáo viên và nhân viên trường học. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhận định thế giới đang chứng kiến “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” hết sức nghiêm trọng bởi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đồng nghĩa với việc tương lai và hạnh phúc của trẻ em cũng chịu tác động.
Các nghiên cứu của UNESCO và UNICEF chỉ rõ trường học đóng cửa càng lâu, nguy cơ trẻ em và thanh thiếu niên mất đi tương lai càng cao. Hơn 100 triệu trẻ em sẽ không đạt được trình độ đọc hiểu thông thạo tối thiểu do tác động của việc đóng cửa trường học. Khoảng 24 triệu trẻ em và thanh niên có nguy cơ bỏ học. Việc đóng cửa trường học cũng làm giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ quan trọng về bảo vệ, dinh dưỡng, sức khỏe, nhất là ở các nước chậm phát triển. Ngoài tình trạng “hổng kiến thức”, việc trường học đóng cửa kéo dài cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, việc đóng cửa trường học ở khu vực phía Nam sa mạc Sahara châu Phi dẫn đến thiệt hại về thu nhập suốt đời, ước tính 4.500 USD/trẻ em - một khoản tiền lớn đối với hầu hết người dân trong khu vực. Thêm vào đó, thu nhập của các bậc cha mẹ cũng có thể giảm do họ buộc phải ở nhà để chăm sóc con cái, đặc biệt là trong các hộ gia đình không có khả năng chi trả dịch vụ trông giữ trẻ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới, việc dạy và học trực tuyến có thể coi là “cứu cánh” để đảm bảo quyền được giáo dục. Nhiều nước đã ứng dụng giải pháp công nghệ nhằm đảm bảo việc triển khai hoạt động dạy và học trực tuyến đạt hiệu quả.
Tại Mỹ, ngoài giờ học online với giáo viên, học sinh, sinh viên có thể truy cập miễn phí “kho” video bài giảng trên các nền tảng giáo dục trực tuyến như Khan Academy và TED Ed. Nhiều bang ở Mỹ cung cấp quyền truy cập miễn phí các khóa học từ xa của các trường bán công vốn trước đây đòi hỏi học sinh, sinh viên phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào cũng như đáp ứng được yêu cầu nhập học. Một mô hình khác được triển khai thành công là nền tảng Learn Everywhere, nơi các bậc phụ huynh có thể chia sẻ những nguồn tài liệu hữu ích để cùng nhau đồng hành với con em.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi động một chương trình điện toán đám mây quy mô toàn quốc nhằm cung cấp đầy đủ tài liệu giảng dạy cho tất cả các môn học chính cũng như các khóa học dành cho học sinh tiểu học và trung học. Ngoài ra, các kênh truyền hình cũng tăng cường phát sóng trực tiếp các chương trình dạy học, cung cấp kiến thức cho hơn 120 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Malaysia cũng khai trương kênh truyền hình đặc biệt DidikTV KPM với thời lượng phát sóng từ 7h sáng đến nửa đêm hàng ngày dành riêng cho mục đích giáo dục trực tuyến tại quốc gia Đông Nam Á này. 
Trong khi đó, giáo viên ở Italy được quyền truy cập công cụ hội nghị truyền hình và kế hoạch bài học. Iran cho phép tất cả trẻ em truy cập Internet miễn phí. Liban áp dụng dạy-học trực tuyến đối với môn giáo dục thể chất, học sinh quay video và gửi cho giáo viên như một hình thức làm bài tập về nhà…

* Biến thách thức thành cơ hội
UNICEF đánh giá học từ xa là công cụ hỗ trợ nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa do giãn cách xã hội. Tuy nhiên, thực tế triển khai mô hình này cũng cho thấy những bất cập cần tháo gỡ, mà lớn nhất là vấn đề bất bình đẳng và khoảng cách về tiếp cận kỹ thuật số.
Theo UNICEF, một nửa dân số thế giới (khoảng 3,6 tỷ người) vẫn thiếu kết nối Internet, đồng nghĩa với việc ít nhất 1/3 học sinh trên thế giới (khoảng 463 triệu em) từ mầm non đến trung học phổ thông không được tiếp cận bất kỳ hình thức học tập từ xa nào, 3/4 trong số đó sống ở các hộ gia đình nghèo nhất hoặc các khu vực nông thôn. Trong khi đó, ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu không được tiếp cận hình thức học tập này. Bên cạnh việc thiếu thiết bị cần thiết để kết nối, việc thiếu chính sách học trực tuyến cũng là một yếu tố quan trọng. Nhiều giáo viên trên toàn cầu chưa được đào tạo để dạy học trực tuyến và rất nhiều học sinh không có kỹ năng kết nối thiết bị kỹ thuật số thích hợp để tìm và sử dụng nội dung giáo dục phụ thuộc vào công nghệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, những khó khăn và bất cập trong việc dạy và học trực tuyến kể trên lại chính là cơ hội này để đổi mới giáo dục, tái cơ cấu hệ thống giáo dục, đảm bảo khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi. Thực tế cho thấy việc kết nối và phổ cập Internet đã trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo quyền được giáo dục của trẻ em trong đại dịch. Bên cạnh đó, kỹ năng kỹ thuật số và học tập phải được đưa vào hệ thống giáo dục để giải quyết khoảng cách kỹ thuật số.
Chính phủ các nước cần xây dựng chiến lược cụ thể về học tập trực tuyến, để không chỉ giải quyết các vấn đề của đại dịch COVID-19, mà còn đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Bên cạnh đó, việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng cần là trọng tâm trong chính sách phát triển bền vững, đòi hỏi nỗ lực quốc tế, trách nhiệm của các tổ chức toàn cầu, sự đồng hành của các quốc gia phát triển với những nước có điều kiện thấp hơn cũng như nỗ lực của các chính phủ, tổ chức và cộng đồng ở từng quốc gia.
LHQ kêu gọi các chính phủ cần ưu tiên sử dụng công nghệ hiện có, bao gồm phát thanh - truyền hình, điện thoại, máy tính, ứng dụng nhắn tin hoặc các phương tiện khác để bảo đảm phổ cập giáo dục trong và sau đại dịch. Ngoài ra các nước cần có lộ trình tài trợ và vận động tài trợ cho các trường học vùng sâu, vùng xa để cung cấp dịch vụ Internet nhanh nhất, tìm cách cung cấp quyền truy cập miễn phí và giảm giá các dịch vụ và máy tính... Theo UNESCO, việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà nên ủng hộ những phương án khác, trong đó có phương tiện phát thanh và truyền hình, cũng như sự sáng tạo, linh hoạt trong mọi phương thức học tập.
Ngoài  những thiệt hại về kinh tế-xã hội, xét theo một góc độ nào đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến cả thế giới phải nhìn nhận, đánh giá lại khả năng ứng phó với mọi tình huống bất lợi, từ đó phải cải tổ, thay đổi để thích nghi. Cụ thể là trong lĩnh vực giáo dục, dạy và học trực tuyến là phương pháp hữu hiệu nhất để giúp trẻ em toàn cầu được học hành, được tiếp nhận tri thức bất chấp dịch bệnh hoành hành.

nguồn : https://ncov.vnanet.vn/

0961616130