19 đường 24, Phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Các địa phương đồng loạt 'kêu' thiếu giáo viên

Các địa phương đồng loạt 'kêu' thiếu giáo viên

Trong năm học mới 2022-2023, Thanh Hoá thiếu hơn 10.000 giáo viên, Nghệ An 6.000, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai 2.000 - 3.000 và đề nghị sớm có chính sách hỗ trợ.

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, hàng loạt địa phương cho biết số giáo viên hiện tại không đáp ứng được với sĩ số học sinh.

Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết năm vừa qua tỉnh tuyển bổ sung được khoảng 2.800 giáo viên. Tuy nhiên, với nhu cầu khoảng 8.000, năm học 2022-2023 sắp tới, Nghệ An vẫn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. "Với tình trạng này, việc triển khai và đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ gặp nhiều khó khăn", ông Long bày tỏ, đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ.

Đây cũng là tình trạng của Bình Dương. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nhật Hằng, từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc, phần lớn vì thu nhập chưa đảm bảo cuộc sống.

Trước thềm năm học mới, Bình Dương tăng 11 trường, trong đó một THCS và 10 mầm non ngoài công lập. Số học sinh dự kiến tăng 29.000, tập trung tại các địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Để theo kịp mức tăng của sĩ số học sinh, bà Hằng cho biết Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên, trong đó tiểu học cần 1.200 người, THCS 1.300, THPT 118 và mầm non 465. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thiếu hơn 500 viên chức trong ngành giáo dục.

"Tỉnh vẫn đang trong quá trình tuyển dụng viên chức, song song đó ký hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên chuyên môn để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên", bà Hằng nói.

Giáo viên trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ dạy học sinh tập viết trong buổi học hồi tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Giáo viên trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ dạy học sinh tập viết trong buổi học hồi tháng 10/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Còn với Thanh Hoá, khi năm học mới còn chưa đầy một tháng sẽ bắt đầu, số giáo viên thiếu lên tới hơn 10.000. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các trường, nhất là khi số học sinh tăng nhanh, đồng thời kiến nghị Chính phủ xem xét mức 2% giảm biên mỗi năm vì không phù hợp với thực trạng ngành giáo dục.

Trước đó vào ngày 10/8, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết đang thiếu gần 2.500 giáo viên, trong đó giáo viên tốt nghiệp ngành Sư phạm mầm non trình độ đại học chiếm nhiều nhất với 418 người, tiếp đó là sư phạm mầm non có trình độ cao đẳng 203 người. Theo Sở Nội vụ Đồng Nai, từ năm 2020 đến nay, ngành giáo dục có 1.218 giáo viên xin nghỉ.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ sự chia sẻ với kiến nghị của các địa phương và khẳng định mục tiêu tuyển đủ giáo viên là chính đáng. Dù vậy, ông Đam cho rằng cũng cần thông cảm cho ngành giáo dục, bởi ngay cả Bộ trưởng Giáo dục cũng không có thẩm quyền quyết định một số điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục như lương, biên chế, trường lớp.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, sáng 12/8. Ảnh: Duy Phương

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, sáng 12/8. Ảnh: Duy Phương

Theo Phó thủ tướng, xã hội luôn quan tâm tới giáo dục, đó là điều may mắn nhưng cũng đi kèm nhiều áp lực. Mỗi người đều có trải nghiệm giáo dục cá nhân, nên đều muốn tiếng nói của mình được lắng nghe. Tuy nhiên, giáo dục hay bất kỳ ngành nào, muốn thay đổi hay cải cách phải gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. "Kinh tế của chúng ta vẫn đang ở ngưỡng trung bình thấp, nhưng nhiều người mong muốn đến mức gần như đòi hỏi giáo dục phải như các nước phát triển nhất", ông Đam nói.

Để góp phần ngăn chặn việc thiếu, thừa giáo viên cục bộ, Phó thủ tướng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuyển biến nhanh hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nắm chắc thống kê nguồn lực của ngành. "Nắm được rồi thì phải cập nhật, có bộ phận xử lý thông tin. Bộ làm sao phải biết từng địa bàn có bao nhiêu trường, lớp, giáo viên, rồi kết hợp với dữ liệu về dân cư sẽ biết chỗ nào thiếu, thừa giáo viên, từ đó mới quy hoạch được", ông Đam nói.

Tính đến tháng 5/2021, cả nước có hơn 42.200 cơ sở giáo dục với hơn 22 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông. Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non các tỉnh vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cả nước cũng thừa cục bộ hơn 10.300 giáo viên ở từng cấp học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nguyên nhân của tình trạng trên là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh. Việc bố trí, điều động, phân công giáo viên cũng chưa phù hợp. Một phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.

Ngày 2/8, Bộ đã gửi công văn tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo quyết định về biên chế các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị giai đoạn 2022-2026.

Theo quyết định này, Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng, trong đó ưu tiên tuyển giáo viên các môn học mới để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và ưu tiên tuyển giáo viên mầm non cho các trường ở vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thanh Hằng - Duy Phương

nguồn: https://vnexpress.net/

0961616130